Đi cùng tổng thống Mỹ trên Air Force One (1) Phóng
viên chuyên trách Nhà Trắng của Reuters là Larry Downing từng nhiều dịp
đi cùng tổng thống Mỹ bằng chuyên cơ Air Force One từ năm 1978 đến nay.
Ông kể về những điều mắt thấy tai nghe trên chiếc máy bay an toàn nhất
thế giới này qua 6 đời tổng thống.
|
Một trong hai chiếc Air Force One. Ảnh: Reuters. |
Nước
Mỹ có hai chiếc Air Force One phục vụ tổng thống, được trang bị tương
đương và giống nhau như hai giọt nước. Khác biệt duy nhất có thể nhận
thấy bằng mắt là phần số hiệu trên đuôi máy bay, một chiếc là 28000 và
chiếc kia là 29000. Chúng được bảo vệ 24/24 và luôn được chăm sóc cẩn
thận tại căn cứ không quân Andrews ở bang Maryland. Lực
lượng an ninh được phép tiêu diệt bất cứ ai trong vòng bảo vệ của Air
Force One, nên không ai được bén mảng đến chiếc chuyên cơ này mà không
có giấy phép. Ngay khi tổng thống Mỹ bước lên chuyên cơ, chiếc Air Force
One vốn là loại máy bay chở khách Boeing 747 này lập tức trở thành vị
đại sứ hàng không cho sức mạnh của nước Mỹ. Mỗi
khi Air Force One phục vụ tổng thống là cả một guồng máy khổng lồ được
khởi động để đảm bảo nó đi đến nơi về đến chốn bất cứ nơi nào trên thế
giới và tạo cảm giác tiện nghi nhất cho nhà lãnh đạo. Trên máy bay có
đội ngũ y tế túc trực và chiếc chuyên cơ luôn di chuyển trong sự bảo vệ
của một phi đội máy bay chiến đấu Mỹ.
|
Cựu
tổng thống George Bush thích sử dụng xe đạp leo núi để tập thể dục. Do
đó một phụ tá luôn có nhiệm vụ mang chiếc xe này lên phía sau của máy
bay để ông có thể sử dụng tại những nơi đến khi cần. Ảnh: Reuters. |
Nhiệm
vụ tối thượng của Air Force One là đáp ứng nhu cầu đi lại bất cứ đâu,
bất cứ khi nào của các tổng thống Mỹ. Chỉ có tổng thống, gia đình của
ông, các khách mời, nhân viên Nhà Trắng được lựa chọn, mật vụ có vũ
trang và một nhóm nhỏ phóng viên chuyên trách gồm 13 người của các hãng
thông tấn lớn mới được phép trở thành hành khách của Air Force One. Nhà
Trắng luôn có một số lượng phóng viên "nằm vùng" đông đảo, đến từ các
cơ quan truyền thông khắp thế giới. Nhưng chỉ có 13 người được phép đi
theo mỗi chuyến công du của tổng thống và số phóng viên này luân phiên
lựa chọn giữa các báo, đài. Những người này được đi chung trong đoàn xe
hộ tống, ở chung khách sạn 5 sao với tổng thống và nếu tổng thống di
chuyển bằng trực thăng họ cũng được phục vụ bằng phương tiện tương tự,
nhưng trên một chiếc khác.
|
Kiểm tra an ninh gắt gao qua nhiều vòng trước khi lên chuyên cơ. Ảnh: Reuters. |
Lực
lượng an ninh vũ trang đến tận răng cùng những chú chó nghiệp vụ có sứ
mệnh đảm bảo không cho bất kỳ ai đến gần chiếc Air Force One mà chưa qua
các cửa kiểm soát an ninh. Tất cả phóng viên đi theo và các thiết bị
của họ đều được chó nghiệp vụ ngửi kỹ lưỡng và đưa qua các máy soi
chiếu, trước khi được lực lượng an ninh cấp thẻ cho phép bước tới khu
vực đường băng Air Force One đang đỗ. Tấm thẻ này sẽ được các nhân viên
an ninh thu lại và đổi chiếc khác trên mỗi chặng trong chuyến đi của
tổng thống Mỹ. Các
phóng viên tới căn cứ không quân Andrews, sân nhà của Air Force One,
phải trải qua không dưới 10 “cửa ải an ninh” kể từ khi bắt đầu chuyến
tháp tùng người đứng đầu nước Mỹ. Mở đầu là bản kê khai do Nhà Trắng
thực hiện, tiếp theo là các thủ tục an ninh liên tiếp do không quân Mỹ,
lực lượng mật vụ, chuyên gia chất nổ, chó nghiệp vụ thực hiện và cuối
cùng là vòng bảo vệ đặc biệt có vũ trang của Air Force One.
|
Một chùm thẻ sự kiện cho mỗi phóng viên tháp tùng tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Chỉ
đến khi qua được tất cả những cửa an ninh đó các phóng viên mới có thể
đặt chân lên chiếc chuyên cơ của tổng thống Mỹ bằng cầu thang nhỏ phía
đuôi máy bay. Cầu thang lớn phía đầu máy bay dành riêng cho tổng thống.
Trong một số trường hợp, máy bay vận tải quân sự cũng được trưng dụng
phục vụ người trong gia đình tổng thống đi công cán. Mùa
hè năm 2008, cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush di chuyển trên một chiếc
máy bay vận tải quân sự C-17 tới Afghanistan, nhưng vẫn được tận hưởng
cảm giác tiện nghi nhờ một cabin di động đặc biệt gắn trên sàn máy bay.
Trong khi đó, các nhân viên Nhà Trắng, lực lượng mật vụ và cánh báo chí
tháp tùng ngồi bên ngoài trong giá lạnh theo đúng nghĩa đen. Cái lạnh
thấu xương sẽ là cảm giác của bất cứ ai phải ngủ trên mặt sàn bằng thép
của chiếc máy bay vận tải quân sự chuyên chở hàng và bay ở độ cao 11.000
mét này.
|
Phóng viên và nhân viên mật vụ trên chiếc máy bay quân sự C-17 đưa đệ nhất phu nhân Mỹ tới Afghanistan năm 2008. Ảnh: Reuters. |
Khách
trên chiếc Air Force One được phục vụ khá chu đáo, với những dịch vụ
gợi nhớ cảm giác thoải mái của thời kỳ đầu trong kỷ nguyên đi lại bằng
máy bay thương mại. Các ghế ngồi rộng rãi có thể ngả ra sau đủ để có một
giấc ngủ ngon trên chuyến bay dài. Các bữa ăn không hề công nghiệp theo
kiểu đóng gói và phục vụ bằng chiếc xe đẩy chuyên dụng của ngành hàng
không như thường thấy. Thay
vào đó, các bữa ăn được đầu bếp của Air Force One chế biến nóng sốt
ngay tại khoang bếp rộng rãi trên chuyên cơ và được bày biện lịch sự
trên những bát đĩa bằng sứ. Tất cả các bữa chính lẫn tráng miệng đều
được đích thân các đầu bếp thực hiện từ khâu chuẩn bị đến nấu nướng ngay
trên máy bay.
|
Cửa sau của Air Force One dành cho phóng viên tháp tùng. Ảnh: Reuters. |
Khoang
dành riêng cho phóng viên có một thư viện lớn về các bộ phim với những
chiếc tai nghe tiện dụng và chất lượng cao. Trước khi Air Force One trở
về căn cứ không quân Andrews, kết thúc một chuyến đi, các tiếp viên sẽ
tặng cho tất cả các vị khách một món quà đặc biệt của Nhà Trắng là hộp
socola The Presidential M&M. Đây là sản phẩm chỉ được sản xuất giới
hạn và dành riêng cho Air Force One. Mỗi hộp đều in hình con dấu của
tổng thống Mỹ ở mặt trước cùng với chữ ký của tổng thống đương nhiệm dập
nổi bên dưới. Hộp M&M mang dấu ấn Tổng thống Barack Obama đang được
mong chờ và sẽ xuất hiện từ tháng 3/2009.
|
Đầu bếp Air Force One chế biến món ăn trên máy bay. Ảnh: Reuters. |
Sau
đó, mỗi hành khách đi Air Force One còn được nhận một tấm giấy chứng
nhận lớn rất trang trọng của Nhà Trắng, có chữ ký của cơ trưởng, trong
đó ghi rõ họ đã được bay với tư cách là "khách của tổng thống" trên
chiếc chuyên cơ này. Cách thức trình bày của tờ chứng nhận giống như một
tấm bằng tốt nghiệp đại học tại các trường ở Mỹ. Sự
đúng giờ của Air Force One đạt đến độ hoàn hảo và không có bất cứ ai
phải phàn nàn về việc thất lạc hành lý. Cơ trưởng của máy bay tự hào
rằng, Air Force One đúng giờ đến mức bạn có thể dùng thời gian hạ cánh
đã định để lấy lại đồng hồ đeo tay cho mình. Ông ta đã đúng!
|
Hộp kẹo socola tổng thống và giấy chứng nhận đi Air Force One. Ảnh: Reuters.
Phóng viên của
Reuters có nhiều trải nghiệm trong các lần đi Air Force One suốt 31 năm
qua. Ông từng tháp tùng cả hai đời tổng thống Bush công du bí mật và có
ấn tượng mạnh mẽ khi cùng Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam.
|
Phóng viên tác nghiệp dưới cánh Air Force One. Ảnh: Reuters. |
Duy
nhất một lần trong lịch sử, Air Force One bị hoãn bay nhưng nguyên nhân
nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ trưởng. Sự kiện xảy ra trong những năm
1990 khi Tổng thống Bill Clinton kiên quyết muốn được chỉnh sửa mái tóc
trong khi máy bay đã sẵn sàng cất cánh trên đường băng sân bay Los
Angeles. Lúc đó các máy bay thương mại phải kiên nhẫn đợi trong khi ông
Clinton cắt tóc vì sân bay được lệnh tạm ngưng cất hạ cánh để thông
thoáng đường băng và bầu trời cho Air Force One. Các
phóng viên ảnh tháp tùng tổng thống được phép tác nghiệp bên dưới cánh
máy bay trong mọi điểm đến, cũng như nơi xuất phát của mỗi chuyến ông
chủ Nhà Trắng công du. Một khi đã bước lên chuyên cơ, cánh phóng viên
chuyên trách được hướng dẫn chỉ được ở khoang dành cho báo chí trong
suốt hành trình. Mọi sự di chuyển ra ngoài khu vực này chỉ được phép khi
có nhân viên Nhà Trắng hộ tống và được các mật vụ ngồi ngay khoang bên
cạnh giám sát chặt chẽ.
|
Tác nghiệp trong khoang dành cho báo chí tháp tùng. Ảnh: Reuters. |
Việc
chụp ảnh trên chuyên cơ cũng phải tuân thủ các quy định ngặt ngèo. Với
các phóng viên ảnh thì Air Force One cũng là "đất dụng võ" có vai trò
như Nhà Trắng. Đến nay chưa có bức ảnh báo chí nào chụp trên chuyên cơ
này có giá trị hơn tác phẩm do nhiếp ảnh gia Nhà Trắng Cecil Stoughton
chụp được trên chuyến bay ngày 22/11/1963, khi ông Lyndon B Johnson
tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 36 của nước Mỹ ngay trong cabin. Đây
là chuyến bay trở về Washington bi thảm ngay sau khi Tổng thống John
Kennedy bị ám sát tại thành phố Dallas. Trong
bức ảnh, cựu đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đứng cạnh Johnson và trên
chiếc jacket của bà vẫn còn nguyên vết máu của chồng. Vào giây phút định
mệnh Tổng thống Kennedy trúng đạn trên đường phố Dallas khi đi bằng xe
mui trần, bà ngồi cạnh ông nhưng không bị bắn. Còn trên chuyến bay vô
tiền khoáng hậu sau đó, trong khi Johnson tuyên thệ, thi thể Kennedy nằm
yên trong một khoang khác của chính máy bay này. Bức ảnh độc nhất vô
nhị được lưu giữ trong Thư viện tổng thống Johnson và là một phần quan
trọng của lịch sử Nhà Trắng.
|
Lyndon B. Johnson tuyên thệ trên Air Force One, bên cạnh bà Jackie Kennedy. Ảnh: White House. |
Chuyên
cơ thực hiện chuyến bay lịch sử nói trên là chiếc Boeing 707 có số hiệu
sơn ở phía đuôi là 26000 và nay được lưu giữ tại Bảo tàng không quân
Mỹ, bang Ohio. Sau khi chiếc máy bay này kết thúc sứ mệnh chuyên cơ dành
cho tổng thống, Air Force One được thay thế bằng một cặp máy bay mới
Boeing 747 tiện nghi và hiện đại hơn nhiều. Phóng viên Reuters
Larry Downing có nhiều lần đi trên Air Force One trong 31 năm qua,
nhưng vẫn còn nguyên niềm tự hào và ấn tượng mạnh mẽ mỗi lần đặt chân
lên chiếc máy bay này. Chuyến bay cùng chuyên cơ đầu tiên của ông là năm
1978 khi tháp tùng Tổng thống Jimmy Carter tới thành phố Denver để xúc
tiến việc sử dụng năng lượng mặt trời trong các gia đình. Chuyên cơ này
chính là chiếc Boeing 707 số hiệu 26000, máy bay từng chứng kiến lễ nhậm
chức đặc biệt của Lyndon Johnson năm 1963. Downing
cũng còn nhớ như in chuyến bay cùng Tổng thống George H. Bush (cha) tới
Somali dự bữa ăn trưa với binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây, trong chuyến thăm
chớp nhoáng không báo trước. Khi Air Force One rời thủ đô Mogadishu của
Somali, nhiệt độ đang cực kỳ oi bức. Tới nửa đêm, máy bay đến phía bắc
Matxcơva, nơi đang lạnh dưới độ âm. Chỉ trong vòng chưa đầy 12 tiếng
nhiệt độ tại nơi xuất phát và nơi đến của Air Force One có độ chênh lệch
khủng khiếp.
|
Phóng viên mặc áo chống đạn trên Air Force One để chuẩn bị vào Baghdad. Ảnh: Reuters. |
Ông
cũng từng hai lần tháp tùng Tổng thống Bush (con) trong các chuyến đi
bí mật tới Iraq. Trong chuyến đi thứ hai, sau khi người của không quân
phát cho mỗi thành viên trong nhóm báo chí một chiếc áo chống đạn để di
chuyển vào trung tâm Baghdad, họ được thông báo rằng Tổng thống George
Bush muốn các phóng viên để lại những chiếc áo này trước khi trở lại máy
bay. Ông chủ Nhà Trắng khi đó muốn các binh sĩ tham chiến tại Iraq có
thêm những chiếc áo chống đạn mới nhất. Một trong những kỷ niệm khó quên khác của phóng viên Reuters
là chuyến cùng Tổng thống Bill Clinton thực hiện chuyến thăm lịch sử
tới Việt Nam năm 2000. Ông còn nhớ khi chiếc Air Force One nghiêng cánh
để hướng tới đường băng sân bay Nội Bài, ông đã nhận thấy hàng chục hố
bom màu nâu nằm giữa vùng nông thôn xanh mát bên dưới. Máy bay càng đến
gần đường băng ông càng nhìn thấy thêm các hố bom. Theo
Downing, các phi công của không quân Mỹ trước đây đã quá quen với đường
bay vào Hà Nội như trên. Khi đó những chiếc phi cơ ném bom chiến lược
B-52 của Mỹ từng trút hàng nghìn tấn bom xuống khu vực này trong đợt
đánh phá Hà Nội dịp Giáng sinh năm 1972, sự kiện dẫn đến quyết định trên
bàn đàm phán hòa bình ở Paris chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam. Một
ví dụ khác về sự tiện nghi khi bay bằng Air Force One là trong chuyến
đi Rome năm 2005, đưa Tổng thống George Bush tới dự lễ tang Giáo hoàng
John Paul II. Sau khi dự lễ tang tại Vatican cùng hai cựu tổng thống
Bush cha và Bill Clinton, ông Bush cùng vợ trở lại Air Force One và rời
thủ đô Italy để bay thẳng về Waco, bang Texas (Mỹ). Hãy tưởng tượng xem
bạn có thể gọi cho một công ty lữ hành nào để có được dịch vụ bay thẳng
như vậy không?
|
Tổng thống và các cựu tổng thống Mỹ dự lễ tang Giáo hoàng John Paul II. Ảnh: Reuters. |
Air
Force One có lịch bay dày đặc gần như hàng ngày trong năm cuối nhiệm kỳ
của bất kỳ đời tổng thống Mỹ nào sử dụng máy bay. Khi đó tổng thống lên
lịch bay cho cả năm để đi chào tạm biệt bất cứ ai muốn ăn trưa với ông.
Phóng viên Reuters còn nhớ các chuyến đi cuối cùng của Bill Clinton trên cương vị tổng thống tới Ấn Độ, châu Phi, châu Á và châu Âu.. Đợt
công du "giã biệt" bạn bè của tổng thống Bush vừa mãn nhiệm cũng dài
không kém. Năm 2008, các chuyến tháp tùng bằng Air Force One đã đưa
phóng viên ảnh Larry Downing tới Thái Lan, Hàn Quốc, Bắc Kinh (dự
Olympic mùa hè), Israel (hai lần), lãnh thổ Palestine, Ảrập Xêút (hai
lần), Afghanistan, Slovenia, Italy, Pháp, Đức và Anh. Điều
duy nhất khiến các phóng viên phải phàn nàn khi đi tháp tùng bằng
chuyên cơ Air Force One là không có thẻ tích điểm sau mỗi chuyến bay!
Huyền thoại Air Force One |
Mỗi lần Air Force
One cất cánh đều được coi là đang thực thi một nhiệm vụ quân sự. Chuyên
cơ có khả năng phòng thủ cao nhờ hệ thống chống tên lửa. Thông tin liên
lạc cũng cực kỳ hiện đại và có tính bảo mật tuyệt đối, giúp tổng thống
Mỹ có thể điều hành công việc bình thường khi đang ở độ cao 13 km. Trên
máy bay có 87 đường điện thoại, trong đó có 28 đường được mã hóa. Phi
hành đoàn của Air Force One có 26 người (3 phi công còn lại là tiếp
viên). Máy bay có chiều dài 70,4 m, cao 19,4 m (tương đương hơn tòa nhà 5
tầng), sải cánh 59,6 mét, tốc độ tối đa 1.015 km/h, bay liên tục không
phải tiếp dầu 12.550 km và trần bay là 13.700 m. Trên
Air Force One, khu dành cho tổng thống và khách VIP ở phía trước, tiếp
đến là các trợ lý và phía sau cùng là phóng viên tháp tùng. Máy bay có
hai phòng bếp lớn sẵn sàng phục vụ khách vào mọi thời điểm. Khi không
phục vụ, Air Force One nghỉ đỗ tại căn cứ không quân Andrews, bang
Maryland, cách Nhà Trắng không xa. |
Đình Chính
|
|